Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Phát hiện xác cô giáo chết đuối trên hồ nước

 -Nạn nhân là cô giáo Đoàn Thị Sương (41 tuổi) - Văn thư trường tiểu học Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Theo người nhà cô giáo Đoàn Thị Sương, trước đó ít ngày, do hoàn cảnh gia đình hai con còn nhỏ, chồng lại mang trọng bệnh phải nằm một chỗ nên tranh thủ ngày nghỉ chị Sương lên núi Cao Sơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành để lấy củi về nấu. Tuy nhiên, do bất cẩn khi đi qua đập nước xã Vĩnh Thành, chị Sương đã bị rơi xuống hồ.

Sự việc chỉ được phát hiện vào khoảng 16h ngày 6/11 khi một đám trẻ chăn trâu phát hiện xác cô Sương nổi lên trên mặt hồ.

Những tiếng kêu cứu trong chiếc xe bị cháy


Cô gái trẻ van xin chặt đôi chân mình đang bị kẹt để lôi cô ra ngoài nhưng không ai làm được, đành bất lực nhìn ngọn lửa nuốt trọn thi thể nạn nhân. Cùng lúc, một bé gái được mẹ đẩy thoát ra ngoài gào khóc xin mọi người cứu mẹ em...

Cú va chạm giữa xe container và 2 xe khách trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) lúc 2h15 sáng nay gây ra tiếng động kinh hoàng khiến nhiều người dân sống tại khu vực choàng tỉnh giấc. Chiếc ôtô khách mang biển số Thái Bình bốc cháy dữ dội làm 10 người chết và 21 người bị thương.
Ông Nguyễn Ngọc Tiên (52 tuổi, ngụ Thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) cho biết thời điểm đó đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng nổ rất lớn. "Khung cảnh cực kỳ hỗn loạn, tiếng kêu cứu khắp nơi", ông nhớ lại.
Chiếc container đội hẳn xe khách lên một đoạn, dựa vào gốc cây. Ngọn lửa bắt đầu bùng cháy dữ dội từ đầu xe kéo lan sang thân ôtô khách. Ông Tiên cùng nhiều người dân ngụ gần đấy xông vào tìm cách dập lửa và lôi những người trên xe ra ngoài. Nhiều ôtô chạy ngang lúc bấy giờ đều bị chặn lại để đưa người bị thương đi cấp cứu. Khoảng nửa giờ sau lực lượng chức năng mới có mặt tại hiện trường.
"Chúng tôi chỉ cứu được những người ngồi sau bởi ngọn lửa lúc này gần như nuốt trọn chiếc xe khách. Những tiếng gào thét vẫn tiếp tục phát ra từ trong xe nhưng chúng tôi không thể làm gì hơn. Lửa cháy quá lớn", ông Tiên kể.
Chiếc xe khách cháy rụi hoàn toàn. Ảnh: CTV.
Giọng run run, chị Mỹ Cẩm (ngụ thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) cũng cho hay, chị chạy ra hiện trường thì thấy lửa đã bùng dữ dội. Nhiều người chứng kiến cho rằng trong xe có nhiều xăng dầu, hàng hóa dễ bén nên cháy mới kinh khủng đến thế. Lửa táp ra xung quanh kèm theo nhiều tiếng nổ ầm ầm, át cả tiếng kêu cứu của nạn nhân. Những chiếc xe đang trên đường đều quay đầu tháo lui vì sợ bị bắt lửa.
"Một cô gái chỉ hơn hai mươi tuổi cố nhoài người ra khỏi xe tránh lửa nhưng hai chân bị kẹt cứng. Mọi người đến hỗ trợ kéo cô ra cũng không được trong khi lửa cháy ngày càng lớn. Cô ấy đã khóc lóc van xin mọi người chặt hai chân mình để đưa cô ra ngoài nhưng không thể làm nên đành bất lực đứng nhìn lửa bao trùm nạn nhân", chị Cẩm nghẹn lời. "Cảnh tượng thật khủng khiếp. Còn hơn cả những gì có trong phim. Chắc suốt cả đời tôi không sao quên được giây phút kinh hoàng ấy".

Đứng ngoài gọi mẹ mãi không được, đứa trẻ khóc gào, năn nỉ mọi người "cứu mẹ con với, mẹ còn ở bên trong...", nhưng ngọn lửa quá lớn, mọi người chỉ biết chạy tới chạy lui trong tiếng khóc lóc thảm thiết của em.Một trường hợp khác cũng khiến nhiều người dân có mặt tại hiện trường không cầm được nước mắt. Em bé khoảng 5 tuổi may mắn được mẹ đẩy ra ngoài và được mọi người cứu sống nhưng người mẹ ấy lại không thể tự thoát ra được. Có thể chị bị vật dụng nào đó đè lên người.
Còn anh Phạm Thanh Điền (27 tuổi) kể, thời điểm ấy vẫn còn thức và đang ngồi chơi ở nhà bạn, gần đường Quốc lộ 1A. "Chúng tôi không ai nghĩ đến việc dập lửa, chỉ tập trung cứu người", anh Điền cho hay.
Người dân đã lôi được nhiều người ngồi ở phía sau ra khỏi xe. Mọi người đã cố gắng cứu một người đàn ông ngồi ở hàng ghế phía trên nhưng do chân anh bị kẹt, ngọn lửa đã cháy đến nơi nên công việc đành dang dở.
"Tôi còn thấy một phụ nữ ngồi ở hàng ghế giữa xe cũng bị kẹt chân. Dù nhiều người cố gắng lôi ra nhưng do sức nóng của ngọn lửa cùng khói mịt mù khiến việc cứu người một lần nữa thất bại", anh Điền cho hay.
Theo đại diện Phòng CSGT Huyện Hàm Thuận Bắc, Tỉnh Bình Thuận, họ nhận được tin người dân báo lúc 2h30 sáng. 40 người của tất cả các phòng ban được huy động đến hiện trường và bệnh viện. "Có 8 người bị chết cháy trong xe, 2 người chết trên đường đến bệnh viện vì bị thương quá nặng sau cú va chạm. Đến 3h chiều nay, vẫn chưa thể thống kê hết danh tính những nạn nhân", vị này nói.

Xe container tông ôtô khách, 10 người chết cháy

Rạng sáng 7/11, xe container chạy trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đã tông thẳng vào ôtô khách khiến xe bị bốc cháy làm 10 người chết và 21 người bị thương.

Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vào 2h15 sáng, xe container chạy hướng Bắc - Nam với tốc độ cao, tới địa phận xã Hồng Sơn, thì bất ngờ lấn tuyến tông vào xe khách chất lượng cao của hãng Hoàng Long đi ngược chiều.

Chiếc xe khách bị bốc cháy. Ảnh: Ngọc Văn.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Ngọc Văn.
Sau va chạm, xe container bị mất lái tiếp tục đâm vào xe khách biển Thái Bình loại 54 chỗ. Cú đấu đầu khiến xe khách bị bốc cháy dữ dội. 8 người chết tại chỗ và 23 người bị thương.
Ngay sau đó người dân hô hào dập lửa đồng thời đưa những người bị thương đi cấp cứu. Trong số 23 người bị thương được đưa đến bệnh viện có 2 nạn nhân thiệt mạng nâng tổng số người thiệt mạng lên 10 gồm cả tài xế ôtô khách Thái Bình tên Vũ Mạnh Hùng và tài xế xe container (chưa xác định danh tính).
Tại hiện trường, xe khách Thái Bình bị thiêu rụi chỉ còn trơ lõi kim loại cháy đen, xe của Hoàng Long bị cháy một phần.
Theo đại tá Dũng, hầu hết các nạn nhân là người lớn. Nguyên nhân ban đầu có thể tài xế container ngủ gật, không làm chủ tay lái.
Xe khách chỉ còn trơ khung sắt. Ảnh: Ngọc Văn.
Xe khách chỉ còn trơ khung sắt. Ảnh: Ngọc Văn.
UBND tỉnh Bình Thuận đã có mặt hỗ trợ bước đầu cho gia đình người chết là 5 triệu đồng; người bị thương 2-3 triệu đồng. Có 7 người chỉ bị thương nhẹ đang ở hiện trường cũng được hỗ trợ một triệu đồng mỗi người.
Đến 9h30 sáng nay, hiện trường vụ tai nạn giao thông cơ bản đã được giải quyết. Đường đã thông sau khoảng 4 giờ ách tắc.

Nhật có chiến lược gì khi tổ chức tập trận chung với Ấn Độ?



  • Gần đây, Nhật Bản có các động thái quân sự dồn dập, bên cạnh Nhật tổ chức tập trận “Bảo vệ các hòn đảo Tây Nam” trong nước từ ngày 29/10, Nhật Bản sẽ còn cùng với Hàn Quốc tổ chức tập trận chung “Quy mô chưa từng có” từ ngày 12/11 tới, ý đồ mà trang quân sự của Trung Quốc cho là "nhằm vào Trung Quốc rất rõ ràng".
Những tin tức mới nhất cho biết, ngày 2/11/2011, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật Bản và Ấn Độ còn đạt được thỏa thuận tổ chức tập trận chung lần đầu tiên vào năm 2012, liên hợp “kiềm chế” hoạt động trên biển của Trung Quốc.
Hải quân ba nước Mỹ-Ấn-Nhật tập trận chung
Ngày 29/10, đài truyền hình NHK Nhật Bản cho biết, từ ngày 29/10 – 9/11, lực lượng và trang bị của Sư đoàn 9 Hokkaido của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản sẽ được điều đến dải khu vực từ Kagoshima đến Okinawa, tiến hành tập trận “Bảo vệ các hòn đảo Tây Nam”. Được biết, đảo Điếu Ngư vốn đang xảy ra tranh chấp giữa Trung-Nhật cũng thuộc phạm vi “các hòn đảo Tây Nam” này.

Ngoài ra, hơn 2.200 binh sĩ của lực lượng khu vực Kyushu và Sư đoàn 7 Hokkaido cũng sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật ở thao trường của Oita - Kyushu từ ngày 10 – 22/11/2011.
Tờ “Chosun Ilbo” Hàn Quốc cho rằng, số lực lượng này của Nhật Bản trước đây chủ yếu dùng để chống lại các mối đe dọa từ Liên Xô, hiện nay được chuyển đến Kyushu, rất có ý đồ “nhằm vào Trung Quốc”.

Hơn nữa, báo chí Nhật Bản cũng cho rằng, ý nghĩa của cuộc tập trận lần này là đã giải thích cho nội dung “lực lượng phòng vệ các động thái” trong “Đại cương Kế hoạch Phòng vệ mới”. Điều này có nghĩa là “lực lượng phòng vệ nền tảng” là nhằm vào Liên Xô, còn “lực lượng phòng vệ các động thái” là lấy Trung Quốc (nước “nhanh chóng uy hiếp Nhật Bản” trong những năm gần đây) làm mục tiêu.
Tàu sân bay Mỹ tập trận ở biển Nhật Bản
Ngoài việc đẩy mạnh tập trận độc lập, Nhật Bản còn tích cực lôi kéo các nước xung quanh, tích cực sắp đặt kế hoạch tập trận.

Ngày 1/11, tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho biết, do các động thái của Trung Quốc trong những năm gần đây khiến cho khu vực xung quanh Nhật Bản, Hàn Quốc có “khả năng xảy ra các tình huống bất trắc ngày càng lớn”, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Hàn Quốc sẽ tiến hành tập trận cứu viện chung ở vùng biển phía bắc Eo biển Tsushima từ ngày 12 – 13/11/2011, quy mô của cuộc tập trận này là chưa từng có, quân số tham gia lên tới khoảng 1.000 người.

Đối với vấn đề này, có nguồn tin từ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cho biết, Mỹ yêu cầu “quan hệ quốc phòng Nhật-Hàn cần quá độ sang giai đoạn ứng phó với các mối đe dọa quân sự, đồng thời thực hiện được bước nhảy về chất”.
Những hòn đảo ở hướng Tây Nam của Nhật Bản đang đứng trước sức ép to lớn về quân sự từ Trung Quốc
Ngoài ra, khi tổ chức hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna ngày 29/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn hàng hải từ biển Đông đến Eo biển Malacca cho tới Ấn Độ Dương, đồng thời hai nước Nhật-Ấn đạt được nhất trí về tổ chức tập trận chung ở biển Đông trong thời gian tới.

Tờ “Nikkei” cho rằng, hợp tác phòng vệ đối với “Tuyến đường giao thông trên biển” giữa Nhật-Ấn là nhằm vào Trung Quốc, nước đang hoạt động tấp nập ở trên biển. Hãng Kyodo cùng cho rằng, tập trận chung giữa Nhật-Ấn có ý nghĩa “kiềm chế Trung Quốc” rất lớn.
Ngày 2/11, hãng Kyodo Nhật Bản cho biết, để tăng cường hợp tác quốc phòng hai nước, trong cuộc hội đàm cùng ngày giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony, hai bên đã đạt được thỏa thuận tiến hành tập trận chung lần đầu tiên giữa Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ vào năm 2012.

Trong hội đàm, Yasuo Ichikawa nhấn mạnh: “Tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nhật-Ấn có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Hai nước còn có kế hoạch thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản với Lục quân, Không quân Ấn Độ.

Hãng tin Kyodo bình luận, trong tình hình các hoạt động trên biển của Trung Quốc “ngày càng tấp nập”, Nhật Bản hy vọng tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ.
Ấn Độ đang hết sức lo ngại các hoạt động của quân đội Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Để đáp trả, tàu chiến nước này đã tích cực hiện diện ở biển Đông. Trong hình là tàu đổ bộ INS Airavat của Ấn Độ đã đến thăm Việt Nam trong năm nay
Có chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc tập trận chung trên biển sắp được tổ chức giữa Nhật-Ấn thực sự là sự đột phá lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác quân sự hai nước, hai bên đều đặt không ít kỳ vọng và đều hiểu rõ ý đồ chiến lược thực sự của nó.

CA Bắc Giang kết luận: Lê Văn Luyện là hung thủ duy nhất


CA Bắc Giang kết luận: Lê Văn Luyện là hung thủ duy nhất

  • Đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang vừa cho biết đã yêu cầu Phòng CS điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) công an tỉnh Bắc Giang nhanh chóng hoàn tất hồ sơ và chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, để Viện này phê duyệt quyết định truy tố đối với hung thủ Lê Văn Luyện.

Đại tá Dư cho biết Ban Giám đốc CA có chủ trương yêu cầu hoàn tất báo cáo, kết luận điều tra. Trong ngày hôm nay hoặc ngày mai chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, để Viện này phê duyệt quyết định truy tố đối với hung thủ Lê Văn Luyện.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Bá Ngọc, Lê Văn Luyện tỏ ra không sợ hãi hay lo lắng gì và "còn trêu đùa vui vẻ" với luật sư.
 
Cơ quan điều tra xác định Lê Văn Luyện là hung thủ duy nhất gây ra vụ thảm sát
 
Trước đó, Lê Văn Luyện đã bị cơ quan điều tra khởi tố thêm tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 24/8, Lê Văn Luyện đã đột nhập tiệm vàng Ngọc Bích tại phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và ra tay khiến ba người tử vong gồm: Chủ tiệm vàng Trịnh Văn Ngọc (sinh năm 1974); vợ  Đinh Thị Chín (sinh năm 1976) và con gái thứ hai Trịnh Thị Thảo (sinh năm 2010). Con gái lớn là Trịnh Ngọc Bích (sinh năm 2003) bị chém trọng thương.

Lê Văn Luyện cùng một số tang vật vụ án khi mới bị bắt ở Đồn biên phòng Na Hình (Lạng Sơn) ngày 31-8
 
Ngoài tội “Giết người”, “Cướp của”, Lê Văn Luyện còn bị khởi tố thêm tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bởi trước khi gây án, do thiếu tiền tiêu xài cá nhân, Luyện đã mượn chiếc xe máy của ông chú đi cầm cố ở một cửa hàng cầm đồ lấy tiền tiêu xài.

Theo báo NLĐ, luật sư Nguyễn Bá Ngọc, người được chỉ định bào chữa cho Lê Văn Luyện cho biết, ông đã có 4 lần tiếp xúc với Luyện trong trại giam cũng như chứng kiến việc thực nghiệm một phần vụ án.
“Trong thời gian gần đây, Luyện có vẻ khỏe mạnh hơn so với thời gian mới vào trại. Luyện không tỏ ra sợ hãi hay lo lắng gì. Khi nói chuyện với tôi còn trêu đùa vui vẻ”, luật sư Ngọc tiết lộ với Báo Người Lao động sáng nay, 7-11.
Nhận định về mức án dành cho Lê Văn Luyện, luật sư Ngọc cho rằng, mức án của Luyện không thể quá 18 năm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, luật sư Ngọc cho rằng, việc giảm án cũng gần như không thể xảy ra bởi các tình tiết giảm nhẹ của Luyện “chỉ bằng sợi tóc” so với tội ác mà hắn gây ra.

Học sinh lớp 12 treo cổ tự tử trong nhà vệ sinh

Do buồn chuyện gia đình, một học sinh lớp 12 đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ.
Nạn nhân là em Võ Tiến Nghĩa (17 tuổi, ngụ phường 8, quận 6-TPHCM), học sinh lớp 12 Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP. HCM).
Trước đó khoảng 14h ngày 4/11, sau khi thấy Nghĩa vào nhà vệ sinh khá lâu nhưng không trở ra nên người nhà Nghĩa gọi cửa. Tuy nhiên gọi mãi cửa không mở nên mọi người tìm cách phá cửa. Khi cánh cửa nhà vệ sinh vừa mở ra, mọi người hoảng hốt phát hiện Nghĩa lủng lẳng trong tư thế treo cổ nên vội vã tháo dây đưa Nghĩa tới Trung tâm Y tế Dự phòng quận 6 để cấp cứu trong tình trạng vỡ yết hầu, cổ và toàn thân tím tái.
Tại đây, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sĩ đã xác định Nghĩa tử vong từ trước khi được người nhà đưa đi cấp cứu.
Được biết cha của Nghĩa cũng tự vẫn. Sau đó mẹ Nghĩa đi bước nữa nhưng không hạnh phúc nên lấy thêm chồng sau. Nhiều người cho biết Nghĩa rất hiền nhưng ít nói, trước khi treo cổ tự tử, Nghĩa đang học lớp 12 Trường THPT Bình Phú (Q.6-TPHCM).
Ngày 5/11, gia đình Nghĩa đã tổ chức lễ mai táng cho em tại chùa Giác Lâm. Hiện nguyên nhân vì sao Nghĩa tự tử vẫn đang được điều tra.

Hi hữu ngôi trường xây xong 9 năm nhưng không có điện, nước


Hi hữu ngôi trường xây xong 9 năm nhưng không có điện, nước

Mò chữ trong bóng tối

Năm 2002, trường Tiểu học Phù Lương, ở xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (người dân và học sinh ở đây vẫn quen gọi là trường Khu lẻ để phân biệt với trường Tiểu học xã) được xây dựng với mức kinh phí phê duyệt là 863 triệu đồng.

Theo đúng thiết kế, ngôi trường 2 tầng với 8 phòng học này sẽ có đầy đủ điện, nước, nhà vệ sinh, văn phòng giáo viên và những cơ sở vật chất thiết yếu nhất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.

Tính đến năm học 2010 - 2011, trường Tiểu học Phù  Lương (khu lẻ) có gần 100 học sinh đang theo học, chia làm 3 khối  từ khối 1 đến khối 3, học cả ngày liên tục những ngày trong tuần. Trường chỉ có 4 thầy, cô giáo luân phiên nhau giảng dạy. Số phòng học sử dụng chỉ có 3 phòng của tầng 1. Tầng 2 hoàn toàn bỏ trống, không sử dụng đến.
tầng 2 hoàn toàn bỏ hoang, không sử dụng đến. (Ảnh T.H)
Điều đặc biệt hơn là ngôi trường này đi vào hoạt động đã 9 năm nay nhưng không hề có điện, có nước và nhà vệ sinh. Trong khi người dân xã Phù Lương đã có điện dùng từ năm 1991 và trường tiểu học Phù Lương (khu tập trung, ở thôn Yên Đinh, xã Phù Lương) là trường chuẩn, có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.

Các em học sinh ở khu lẻ luôn phải học chay với các môn học trực quan cần được thực hành và phải chịu cảnh đến trường không điện, không nước, không có chỗ để “giải quyết”.

Một học sinh lớp 3A cho biết: “Mùa hè không có điện chúng cháu ngồi học nóng lắm, mùa đông thì mới 4 giờ đã tối không nhìn thấy chữ trên bảng rồi, khát nước cũng không có nước mà uống, buồn đi vệ sinh cũng không có chỗ…”

Nói đoạn em chỉ cho tôi khoảng đất rậm rạp cây cỏ ngay đầu hồi trường học, nơi mà các em thường xuyên rủ nhau đi "giải quyết" khi có nhu cầu.
Lớp học bàn ghễ cũ ọp ẹp, không điện thắp sáng, không có quạt và thiếu thốn về trang thiết bị dạy học
Đi học như đánh vật

Không chỉ ở trong tình trạng “ba không”, mọi cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc học tập và giảng dạy của thầy và trò ở ngôi trường này đều thiếu thốn. Bàn ghế ọp ẹp cũ kĩ, không quạt điện, không bóng đèn thắp sáng… và không có bất cứ một thiết bị hỗ trợ nào cho việc giảng dạy và học tập.

Con đường đi vào trường là đường núi, dốc cao, mấp mô, khúc khủy đất đá, đến người lớn đi bộ lên cũng phải thở dốc, mệt bở hơi tai. Những ngày mưa thì con đường này trở nên lầy lội như ruộng cày bữa.
9 năm ròng ngôi trường khang trang này ở trong tình trạng "ba không". (Ảnh T.H)

Khuôn viên trường học đổ đầy những đống đất lớn nhỏ do đây là khu vực người dân trong làng khai thác đất núi để bán cho những vùng lân cận… Việc đi lại, giảng dạy và học tập của thầy, trò trường Tiểu học Phù Lương (khu lẻ) hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Quyết định bỏ trường


Để khắc phục tình trạng này, các em học sinh khối 4 và khối 5 phải lên trường Tiểu học Phù Lương dành cho cả xã để học (cách thôn Hiền Lương 3 km) từ nhiều học kỳ trước.

 “Các em học sinh khối 4, 5 tương đối lớn. Các em có thể tự đến trường bằng xe đạp không nhất thiết cần đến sự đưa đón hàng ngày của gia đình. Chuyển lên khu tập trung học, các em sẽ có điều kiện, môi trường học tập tốt hơn với các môn học trực quan, môn học thực hành.Học sinh có điều kiện để đáp ứng được những yêu cầu kiến thức của chương trình theo khối học và cũng là để giảm tải cho khu lẻ khi mọi điều kiện cơ sở vất chất đều không có để phục vụ việc giảng dạy, học tập của cả thầy và trò”. Một cô giáo trường tiểu học Phù Lương, giảng dạy ở khu lẻ cho hay.

Do đường sá đi lại xa xôi, các em học sinh từ khối 1 đến khối 3 còn quá nhỏ, thêm vào đó, các bậc phụ huynh không có điều kiện đưa đón con em hàng ngày. Dó đó, đến năm học 2010 -2011, trường vẫn phải duy trì 3 khối học ở khu lẻ. Được biết, bắt đầu từ năm học 2012, toàn bộ học sinh, giáo viên ở khu lẻ sẽ được chuyển lên trường tiểu học xã để giáo viên và học sinh có điều kiện giảng dạy, học tập tốt hơn.
Bắt đầu từ năm học 2011 - 2012, trường Khu lẻ hoàn toàn bị bỏ hoang. (Ảnh T. H)
Thế nhưng, giải pháp chuyển toàn bộ học sinh và giáo viên ở khu lẻ lên khu tập trung không nhận được sự đồng tình cao từ các bậc phụ huynh.

Ông Nguyễn Văn Ngải, Hội trưởng Hội phụ huynh thôn Hiền Lương bức xúc: “Nếu như không có điều kiện để thành lập lớp đã đành, đằng này trường lớp đã xây xong lại bỏ không, hơn nữa số học sinh tiểu học trong làng lại khá đông. Chỉ vì lý do không có điện, có nước, cơ sở vật chất thiếu thốn mà bỏ đi trường lớp thì thật là vô lý?

Chuyển học sinh lên trường tiểu học xã học sẽ gây khó khăn cho cả học sinh và phụ huynh. Các cháu còn quá nhỏ, đường sá xa xôi sẽ rất vất vả trong đi lại. Thêm vào đó, hầu hết người dân trong làng không có điều kiện đưa đón con em hàng ngày… và điều đáng nói hơn là chúng ta đang lãng phí. Trong khi rất nhiều nơi không có trường lớp để học, chúng ta lại bỏ hoang trường lớp” - phụ huynh H. cho hay.

Nguyện vọng của học sinh và người dân trong làng là tiếp tục duy trì trường lớp. Thay vì chuyển lên khu tập trung, hãy đầu tư những cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho trường khu lẻ, như: sớm mắc điện, cải thiện cơ sở vất chất cho trường tiểu học về mọi mặt để các em học sinh được học tập trong một điều kiện tốt hơn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ sự việc và thông tin đến bạn đọc sớm nhất. Mời độc giả đón đọc!

Xót lòng những tuổi thơ vừa cõng chữ, vừa mưu sinh



  • LTS: Câu chuyện về cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu (trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) và bài văn cảm động "nghĩ về tiền" đong đầy yêu thương đã làm cư dân mạng không khỏi xúc động. Ở đâu đó trong xã hội này, vẫn còn quá nhiều cảnh đời cũng éo le như em Hiếu. Và các em nhỏ ấy cũng như Hiếu, đang từng ngày, từng giờ, cố gắng vươn lên trong học tập và cuộc sống...

Học lớp 7 nuôi 7 miệng ăn


Khó có thể tưởng tượng được, cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Hương, trường THCS Nguyễn Thị Định (Thuận Thành, Bắc Ninh) lại là trụ cột của cả một gia đình 7 miêng ăn.

Khi bình thường thì vô hại nhưng lúc trái gió trở trời, căn bệnh u não tái phát, bố của Hương lại nổi cơn điên với mấy mẹ con. Đã có lần, Hương đang lúi húi vừa bồng em vừa nấu cơm trong bếp, bố vác gạch ở đâu chạy vào ném lung tung, trúng vào người khiến Hương phải đi bệnh viện.

Mẹ Hương nhiều năm nay phải điều trị bệnh về gan, thận ở nhà. Dưới Hương còn bốn đứa em. Đứa nhỏ nhất vẫn còn phải bế trên tay, một em học lớp 1 và hai em học lớp 3.

Hương và các em của Hương trong căn nhà tềnh toàng của em

Hàng ngày, Hương gánh hết cả mọi công việc gia đình, lợn gà, đồng áng, chăm lo các em rồi làm vàng mã kiếm tiền thuốc thang cho bố mẹ. Có những đêm Hương và các em đốt đèn làm việc suốt đêm để kiếm tiền. Ngày nào nhiều thì chị em Hương cũng chỉ kiếm được 40 đến 50 nghìn đồng. Đáng thương nhất, bố mẹ nằm viện nhà nuôi được con lợn, con gà thì chúng cứ lăn đùng ra chết.

Hàng ngày, mỗi khi ở trường về là Hương lại tất tả về nhà chăm sóc các em, rửa mặt mũi để em đi học còn Hương lại lao vào làm hết việc này đến việc khác. Hàng xóm láng giềng thương chị em Hương nên thi thoảng cũng có người cấy giúp và gặt giúp.

Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai Hương là vậy nhưng kết quả học tập của Hương không hề giảm sút. Em vẫn ham học và kết quả học tập rất cao. Ước mơ của Hương được trở thành cô giáo

Học lớp 8 “cõng” theo bà ngoại và 3 em nhỏ

Trường hợp của em Trần Cà Bay (ở khóm Mỹ Thới, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cũng thật đáng thương. Mới học lớp 8 nhưng Cà Bay đã phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh để nuôi 3 em nhỏ, trong đó có một em mắc chứng tâm thần và bà ngoại 79 tuổi.

Ba mẹ Cà Bay bỏ đi lúc Cà Bay mới 10 tuổi. Cà Bay vừa nói vừa rưng rưng nước mắt “Lúc đó, cha mẹ đi mà em cứ tưởng là đi làm thuê như thường ngày nhưng rồi không thấy trở về nữa. 3 đứa em thì còn nhỏ nên không biết gì, chỉ mình em và bà ngoại biết. Hoàn cảnh gia đình em thì nghèo lắm, sống chủ yếu là làm thuê, làm mướn thôi. Cha mẹ bỏ đi rồi thì bà ngoại lại phải nai lưng ra kiếm tiền để nuôi 4 chúng em vừa ăn vừa học”.

Năm em 12 tuổi, CÀ Bay từng có ý định bỏ học nhưng bà ngoại nhất định không đồng ý. Vừa đi học, Cà Bay vừa cố gắng kiếm tiền để nuôi em, đỡ đần bà. Sức khỏe của bà ngoại ngày càng yếu nên gánh nặng gia đình càng đè nặng lên đôi vai của cậu học trò nghèo.

Bất cứ ai có công việc gì làm mướn em đều làm nấy, miễn kiếm được tiền mua gạo và tiền cho các em đi học. Mỗi ngày Cà bay cũng chỉ kiếm được từ 20 - 30 nghìn đồng. Mùa hè đến, có những ngày Cà Bay phải đạp xe sang tận các tỉnh Long An, Tiền Giang để đi phơi lúa mướn, phụ hồ, dành dụm tiền gửi về cho ngoại nuôi các em.

Thầy Ngô Văn Pul - Tổng phụ trách đội trường THCS thị trấn Mỹ Thọ cho biết: “Việc học thì em Cà Bay rất siêng năng, dù phải vất vả kiếm sống nhưng học lực của em luôn đạt khá. Nhìn em ngược xuôi kiếm tiền, chúng tôi thấy xót lắm. Nhưng nhà trường thì chỉ có thể tạo mọi điều kiện cho em học tập chứ không giúp được nhiều”.

 
Cà bay và bà ngoại của em

15 tuổi vừa đánh giày vừa nuôi mẹ bạo bệnh

Mới đây, bạn đọc lại không thể cầm nổi nước mắt trước câu chuyện của cậu bé Nguyễn Văn Thỏa, học sinh lớp 9 (thôn Thọ Đơn, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) phải long đong mưu sinh kiếm tiền để nuôi bà mẹ bị bạo bệnh.

Hàng ngày, mỗi giờ tan trường, Thỏa lại vội vàng bắt xe khách đi 50km vào thành phố Đồng Hới để đánh giày.


Thỏa đang chăm sóc mẹ bị bệnh

Mẹ Thỏa là bà Nguyễn Thị Mãnh mắc phải căn bệnh co rút thần kinh quái ác từ nhỏ. Bệnh càng trở nặng khi bà sinh ra em. Đôi chân co quắp, teo tóp rồi cứ thế tê liệt dần. Hai năm trở lại đây, bà vĩnh viễn không thể đi đứng trên đôi chân của mình. Những ngày hiếm hoi bớt đau nhức, bà gắng gượng trở dậy làm nghề đan lát để kiếm ít tiền phụ con học hành. Nhưng khi bà đau ốm thì mọi gánh nặng lại đè lên đôi vai của cậu bé 15 tuổi này.

Số tiền nhỏ nhặt em kiếm được từ việc đánh giày là khoản thu nhập chính của gia đình. Mỗi ngày em cũng chỉ kiếm được 40 nghìn đồng từ việc đánh giầy nhưng đó lại là số tiền chi trả phí sinh hoạt chính trong gia đình em.

Hàng ngày em trở về nhà khi trời tối sẫm. Bữa cơm đạm bạc chỉ có rau của hai mẹ con em được bắt đầu từ 9 giờ đêm. Đối với Thỏa, ước mơ lớn nhất của em là “mong chi mẹ đừng ốm đau thêm nữa”.

"Em chỉ mong mẹ đừng ra đi nữa"

Dù đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng em đã phải gánh vác toàn bộ việc gia đình. Đó là trường hợp của em  Đỗ Thị Hiền, thôn Phúc Lý, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), học sinh lớp 11C8, trường THPT Tĩnh Gia 4.

Bố của Hiền đã qua đời vì bệnh ung thư, em trai của Hiền đang được gửi tại làng trẻ SOS, mẹ của em đang bị bệnh hạch ca biến chứng giai đoạn cuối.

Bố mất từ năm Hiền 13 tuổi, mẹ em vì thương nhớ bố mà bệnh càng nặng thêm. Từ đó cho đến nay hàng ngày em vừa cắp sách đến trường, vừa chăm lo cho gia đình. Mỗi buổi sáng thức dậy, em lo bữa sáng cho mẹ rồi đạp xe gần 7km để tới trường đi học. Học về em lại đi chợ lo cơm nước cho mẹ.

Hiền tâm sự: “Ngoài những việc đồng áng, em còn muốn đi làm thêm kiếm tiền mua thuốc cho mẹ lắm, nhưng ở đây không ai thuê làm gì cả”. Mỗi lần vào bệnh viện truyền hóa chất, mẹ Hiền phải mất 2 triệu viện phí. Tài sản trong nhà là con bò đã bán rồi nên Hiền phải loay hoay vay tiền chữa bệnh cho mẹ. Cứ nghĩ đến bệnh mẹ ngày càng nặng, em trai ở làng SOS mỗi năm chỉ được về nhà vào ngày giỗ bố và ngày Tết, nước mắt Hiền lại rơi.

Hiền chia sẻ “cứ mẹ em nằm viện thì không có tiền trả, mà đưa mẹ em về thì em lại sợ…”.